"Ê - đi - xơn" của Việt Nam
Giadinh.net - Với hàng trăm phát minh, phát kiến khoa học kỳ lạ được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống, những người xung quanh gọi ông bằng vô số cái tên: Vua sáng chế điện tử, kỹ sư tâm hồn, nhà khoa học nông dân, Ê-đi-xơn Việt Nam...
Nhưng con người luôn tự làm cái đầu mình bận rộn ấy lại thích tránh xa những gì ồn ào, hào nhoáng. Chính vì vậy, bạn bè ông còn gọi ông là "ẩn sĩ giữa đời thường".
Năm 1981 đã có "hãng sản xuất xe máy Duy Tiến"
“Nhà khoa học chân đất” này có thói quen khó bỏ: Cứ nhìn thấy thứ máy móc, đồ điện nào hay hay là ông lại muốn tháo tung ra, xem xét, chỉnh sửa... để chúng “hiện đại” hơn - Ông là Nguyễn Duy Tiến, hiện đang công tác tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp và dạy nghề TP Hải Dương.
Nói về sáng chế khoa học đầu tiên của mình, ông nhíu mày, đăm chiêu mãi rồi bất chợt lắc đầu nguầy nguậy: “Lâu quá! Nhiều quá. Làm sao tớ nhớ cho tỏ tường được. Không tính những cái vụn vặt đâu nhá. Nếu không nhầm thì đó là ở cuộc thi lắp đài bán dẫn năm 1966-1967 do Hội đồng khoa học Trung ương tổ chức. Tớ chỉ đoạt giải ba. Nhưng “oách lắm” bởi lần ấy, tớ là học sinh duy nhất trên toàn quốc, ton ton lên nhận giải, người ta tưởng con ông nào chạy theo bố”...
Những thiết bị điện tử ông Tiến chế tạo.
Ông tiến bên con "gà mái robot".
Lớn lên, ông vào bộ đội và ngay lập tức chàng lính trẻ đã trình làng hàng loạt những sáng chế cho quân đội. Máy ghi âm MK 200 của CHDC Đức được ông cải tiến tăng dung lượng từ 45phút lên 180 phút. Máy chiếu phim cấp tiểu đoàn từ chỗ chỉ phát đi một lần một cuộn, qua bàn tay ông máy phát một lúc 6 cuộn phim. Máy phát thanh LIDO (Hungari) từ chỗ chỉ phát cho 1 đại đội nghe ông đã làm tăng công suất gấp 10 lần đủ cho một tiểu đoàn… Với những “tài vặt” đó mà ông đã được Quân khu Tả Ngạn tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua 3 năm liên tục.
Một trong những chuyện ông không thể quên được là sáng chế chiếc xe máy. Nước ta, đầu những năm thập niên 1980, người dân chỉ mới chỉ mơ đến trong nhà có chiếc xe đạp để đi lại. Thế mà ông đã nảy sinh ý tưởng chế tạo một chiếc xe máy khi nhìn thấy có chiếc khung môtô của công an tỉnh đã được thanh lý cho cửa hàng sắt vụn. 1 năm trời, ông lăn lộn tìm, tháo rồi lắp phụ kiện các thứ máy móc trên đời để tạo nên một chiếc xe máy.
Cuối năm 1981, xe máy mang nhãn hiệu “Duy Tiến” hoàn thành và đưa vào thử nghiệm. Chiếc xe máy chạy được với vận tốc 40km/h từ một đống sắt vụn bỏ đi đã làm sửng sốt bà con chòm xóm và cả những chuyên gia, kỹ sư máy móc giỏi thời đó.
Tuy nhiên, đó lại là kỷ niệm buồn. Ông trầm ngâm kể về tai nạn nghề nghiệp gần 30 năm trước: “Hai vợ chồng đèo nhau chạy thử máy. Đã chạy thử thì phải chạy những con đường nào xấu nhất. Chạy một mạch từ thị xã Hưng Yên (quê chồng) sang Hải Dương (quê vợ) ngon lành. Không ngờ hôm đó, vợ tớ bị sảy thai. Bố vợ lại nghi cho mình mưu sát vợ nên ông gửi đơn kiện hết chỗ này đến chỗ khác.
Sau đó tớ lại nảy ra ý định cải tiến xe máy chạy xăng sang chạy điện. Lần này vấp phải sự phản đối quyết liệt của bố vợ, hơn nữa có lời qua tiếng lại trong anh em đồng nghiệp nên tớ chán bỏ dở cái ý tưởng từ đấy cho đến giờ”.
Ông bố của “gà mái robot” và ước mơ 20 năm
“Gà mái robot” là một trong những công trình khoa học của ông được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các trang trại gia cầm ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây và gần đây công nghệ này đã có mặt ở nước ngoài.
“Ý tưởng công trình này đến với tớ một cách tình cờ. Từ ý tưởng đó đến hiện thực không phải một sớm một chiều. Mất hơn 20 mươi năm để biến ước mơ nung nấu thành hiện thực” - Ông tiết lộ. Nhấp một ngụm trà đặc, ông cho chúng tôi nghe lý do sáng chế ra “gà mái robot”: “Những năm 1977-1978 đơn vị tớ về xã Thanh Xuân - Thanh Hà - Hải Hưng tăng gia sản xuất. Được bố trí ở vào gia đình làm nghề ấp trứng, oái oăm thay bọn tớ thường xuyên được... ăn trứng gà hỏng. Thương bà con quá, mất công và tốn kém lại đưa lại kết quả cực kỳ thấp. Sao không làm ra một chiếc máy thay con gà mẹ ấp trứng để cho năng suất tốt hơn?!”.
Trực tiếp chứng kiến tham vọng làm giàu của nông dân liên tục bị thất bại, vốn liếng công sức đổ sông đổ biển, với tỉ lệ nở chỉ đạt 25 – 30%; Nghĩ là làm, ông đã bỏ công nghiên cứu phát hiện ra những hạn chế trong phương pháp ấp nở thủ công này. Ông đã phải tháo tung cả chiếc chăn điện của Nga để lấy linh kiện, rồi tìm những phụ kiện rẻ tiền trong nước để lắp ghép thành hệ thống ấp nở.
Gà mái robot trong lứa đầu tiên đã đạt đến xác suất 100%, những chú gà con be bé, xinh xinh như những nắm tơ nhỏ được ấp nở bằng hệ thống tự động chào đời là hạnh phúc vô bờ của ông sau ngần ấy năm kiên trì thực hiện ý tưởng. Những gà mái rôbốt ban đầu chỉ ấp tối đa 200 trứng/mẻ, dần được ông cải tiến lên 3.000 trứng/mẻ và hiện tại là 5.000 trứng/mẻ, đều đạt tỷ lệ tuyệt đối. Những gian khó khi bắt tay vào chế tạo gà mái robot như được giảm gánh nặng khi “chính bố vợ tài trợ kinh phí để tớ đi mua phụ kiện ấy chứ. Lúc đó gia đình cũng đang khó khăn. Điều làm tớ phấn khích nhất là ông cụ đã hiểu và thông cảm cho công việc của tớ, thứ công việc mà trước đây cụ cho là... vớ vẩn”.
Ông Nguyễn Duy Tiến đang dạy học sinh sữa chữa điện tử.
Tới nay ông đã chế được vài nghìn máy ấp trứng tự động với 4 chức năng tự động là: Nhiệt, thông gió, độ ẩm và đảo. Gà mẹ robot đã có mặt ở hầu hết các lò ấp trứng lớn miền Bắc. Ông kể cho chúng tôi một cảnh ngộ éo le: “Thời điểm đó, tớ nhận 15 máy ấp trứng, chuẩn bị đến hạn giao hàng thì bị tai nạn xe máy gãy chân. Phải kéo 4 sinh viên về nhà làm cùng. 1 tháng ròng, thầy trò “ăn gà robot, ngủ gà robot” để hoàn thành đúng thời hạn”. Lý giải cho việc lao đầu vào hùng hục quên cả ngày đêm, ông bộc bạch: “Chẳng qua giúp nông dân đỡ khổ là chính chứ tiền nong ăn thua gì”.
Phát minh này đã mang về cho ông giải nhất sáng tạo KT Hải Dương năm 2001, giải nhì sáng tạo KT Vifotec toàn quốc. Cũng chính sáng chế này đã đưa ông có mặt tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2005. Trong ĐH thi đua lần đó, các phái đoàn của Việt kiều đã biết đến “gà mái robot” và đã liên tục đặt vấn đề với chính ông để đưa công nghệ này ra nước ngoài.
Chính phủ Campuchia đã trực tiếp làm việc với ông để mua công nghệ này. Sau khi chuyển máy móc qua bên đó, ngày 23/6/2006 ông đã bay sang Campuchia để “chuyển giao công nghệ” với các chuyên gia bạn. Cuộc “chuyển giao” chớp nhoáng chỉ trong 2 tiếng đồng hồ là chuyên gia bạn nắm được cơ chế vận hành. Bất ngờ trước những kết quả kỳ diệu từ máy ấp trứng đem lại, họ đã đặt hàng ông thêm những “con gà mái robot” “to” hơn nữa.
Ông Tiến cũng tiết lộ: “Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và một số nước Đông Âu đặt vấn đề mời tớ sang triển khai công nghệ này nhưng chưa nhận lời được vì hiện tại vẫn đang trong năm học. Tớ dạy tới 4 trường và còn rất nhiều công trình đang dở dang”.
“Máy ngửi gạo Tám” và những dự định...
Khi được hỏi những dự định đang làm, ông “bật mí”: “Tớ đang triển khai chế tạo máy “ngửi gạo Tám” do cô bạn Nguyễn Thị Nguyệt bên Viện Công nghệ Lương thực Thực phẩm gợi ý. Chế ra máy bóc hạt sen cho quê tớ. Quê tớ là quê sen mà. Còn một ấp ủ nửa mà tớ đã đề xuất lên cấp trên là làm một bảng điện từ khoảng 48-50m2 tự động cập nhật báo chí hàng ngày. Và còn nhiều ý tưởng nữa nhưng... tớ không nói đâu...”.
Từ năm 2001 - 2003, ông Nguyễn Duy Tiến đã có 6 sản phẩm nghiên cứu khoa học với 9 giải thưởng sáng tạo kĩ thuật.
- Đã có hàng trăm sản phẩm sáng chế, trong đó hàng chục công trình mang tầm cỡ quốc gia.
- Là người khai sinh nghề điện ở Hải Hưng (cũ). Năm 1981, ông đặt vấn đề trực tiếp với Phó ty Giáo dục tỉnh - bà Nguyễn Thị Kim Dung để được đưa môn điện vào nhà trường khi trong chiến lược phát triển không có bộ môn này. Ông làm bản cam kết nếu không làm được xin tự đề nghị trừ lương.
- Từng tốt nghiệp Thủ khoa khoa Toán Đại học Tự nhiên Hà Nội và là giáo viên Toán cho một trung tâm dạy nghề, 1 trường CĐ và 2 trường ĐH nhưng ông lại có những phát kiến và sáng chế chuyên về điện.
Chế ra máy... ăn cắp điện
Ông dần được biết tiếng với tư cách là cha đẻ của máy ấp trứng. Trong quá trình đi bàn giao sản phẩm, ông được săn đón tiệc tùng. “Bên bàn nhậu, các ông chủ mới “khoe” các cách ăn cắp điện bởi vì chỉ tưởng tớ là anh thợ làm máy ấp trứng” - ông tiết lộ. Từ đó mà ông soạn ra giáo trình “chống ăn cắp điện” và để cho giáo trình mình thêm thuyết phục ông chế tạo ra máy ăn cắp điện.
Từ đó mà rất nhiều người tìm đến ông để hỏi mua “máy ăn cắp điện” chứ không phải giáo trình chống nạn “điện tặc”. Một giáo viên của Trung tâm KTTH Ứng Hoà - Hà Tây mấy lần đến nhà chỉ tha thiết mua cho được “máy ăn cắp điện” của ông. Có lần một phóng viên của địa phương đến hỏi ông về “máy ăn cắp điện”. Ông mới tá hoả: “Hoá ra lâu nay người ta biết đến tớ vì cái máy ăn cắp điện” vội vàng làm ngay một bản cam kết với phóng viên kia: Tớ chỉ phổ biến cách chống ăn cắp điện chứ không phải phổ biến cách ăn cắp”.
Công trình này đã giúp ông có vinh dự trở thành đại biểu của Hội nghị Thi đua toàn quốc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2005. Càng vinh dự hơn nữa ông được đại diện cho cho hàng trăm đại biểu lên phát biểu trước hội nghị. Ông không giấu được nụ cười tinh nghịch khi kể về sự cố làm cho Đoàn chủ tịch một phen “hết hồn”: “Trước đoàn chủ tịch và toàn thể đại biểu, tớ dõng dạc: “Tình trạng ăn cắp điện hiện nay rất phổ biến. Tôi biết nhiều cách ăn cắp điện và chế tạo ra một máy ăn cắp điện...”.
Cả hội trường nín thở. Đại hội đang được truyền trực tiếp trên VTV1. Chắc các vị trong Đoàn chủ tịch toát mồ hôi. Chết rồi, cả nước đang xem trực tiếp, cha này nói thế thì hỏng bét. Tớ cũng đoán được các vị nghĩ như thế...”. Nhưng rồi tất cả thở phào nhẹ nhõm khi ông nêu ra lời dẫn như thế để trình bày với đại hội: “Cho nên tôi đã soạn ra một giáo trình chống ăn cắp điện”.
Bài phát biểu kết thúc trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của cả hội trường. “Đại hội kết thúc, đồng chí Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến bắt tay và: “Chúc mừng người Hải Dương ta nhé”. Sau đó các cán bộ quản lý ngành điện bắt đầu quan tâm đến lượng điện hao hụt một cách không bình thường tại rất nhiều địa phương ở miền Bắc và “áp dụng” giáo trình chống nạn “điện tặc”, giảm tổn thất trên mạng lưới khoảng 4% so với trước đây.
“Tớ không quen làm lãnh đạo...”
Chính vì muốn "ẩn cư" nên Nguyễn Duy Tiến đã 5 lần từ chối làm lãnh đạo. Lần nào ông cũng đưa ra một lý do đơn giản: “Tớ chỉ thích được làm chuyên môn, tạng tớ không hợp với nghề quản lý...”. Gắn bó với công việc nghiên cứu và dạy học, nhưng “nhà khoa học chân đất” ấy còn có “máu” mê văn nghệ. Ông sáng tác thơ, viết nhạc, viết báo, viết kịch bản truyền hình... Ngoài 50 tuổi, nhưng ông vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, lối nói chuyện dí dỏm, hóm hỉnh.
Và đặc biệt hơn cả đây chính là thầy Công Nghệ lớp ta!